Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

Nguyên tắc chứng từ trong phần mềm 1C:KẾ TOÁN TẬP ĐOÀN

Chứng từ kế toán là phương tiện để chứng minh cho nghiệp vụ kinh tế phát sinh, là căn cứ để đảm bảo tính hợp pháp và hợp lý, là cơ sở để ghi sổ kế toán, là để quy trách nhiệm cho những cá nhân, tổ chức lập chứng từ kế toán.

Thời kỳ trước đây hầu như không có cái gọi là chứng từ kế toán, các hoạt động diễn ra được ghi nhận bằng thông tin trao đổi (miệng, hoặc những mảnh giấy). Tuy nhiên, với sự phát triển xã hội kéo theo các nghiệp vụ diễn ra hàng ngày về sự biến động doanh thu, chi phí, cơ cấu vốn, các khoản vay, lãi phải trả …và yêu cầu về mặt quản lý mới xuất hiện cái gọi là “chứng từ kế toán” và “sổ sách kế toán”. Hai cái này khác nhau nhé, cái sổ sách được lập trên cơ sở của chứng từ kế toán.

Có rất nhiều cách phân loại chứng từ kế toán khác nhau như theo thời điểm lập, theo nơi lập, theo nội dung kinh tế…Tôi phân loại theo nơi lập chứng từ cho đơn giản và dễ hiểu.

Chứng từ nội bộ: do đơn vị lập ra để quản lý và kiểm soát. Ghi chép toàn bộ nghiệp vụ diễn ra tại đơn vị.
Ví dụ: Phiếu thu, phiếu chi, bảng chấm công, bảng tính lương …

Chứng từ bên ngoài: do đơn vị bên ngoài lập và cũng phản ánh nghiệp vụ diễn ra trong doanh nghiệp. Ví dụ: giấy báo nợ, giấy báo có, hóa đơn GTGT…

Nội dung trong chứng từ phải thể hiện đầy đủ những yêu cầu mà Bộ Tài chính quy định ví dụ như là tên gọi, nội dung, số tiền …những yếu tố đó là gì? Các bạn có thể tìm hiểu thêm sau còn trong bài viết này tôi đề cập tới việc “ứng dụng nguyên tắc chứng từ trong phần mềm kế toán”.

Bên trên chúng ta đã thấy được vai trò quan trọng của việc lập chứng từ vậy chúng ta lập và lưu trữ chứng từ như thế nào? Có hai hình thức, một là chúng là lập chứng từ sau đó ghi nhận và phản ánh vào phần mềm, để chương trình tự động lập ra sổ sách và báo cáo cần thiết. Hai là, lập trực tiếp từ hệ thống phần mềm sau đó in ra để lưu trữ. Ở các nước phát triển như Nhật, Mỹ…họ không lập ra một số chứng từ để lưu trữ, mà việc này lưu trữ ngay trên hệ thống phần mềm. Ví dụ: tại Nhật, hoạt động bán hàng hóa cho đơn vị A tới đơn vị B thì có hóa đơn bán hàng, nhưng sẽ không cần lập và in ra hóa đơn GTGT như Việt Nam hiện nay đang dùng. Tất cả đều qua giao dịch là “chứng từ điện tử” để ghi nhận và quản lý.

Để hiểu rõ hơn về chứng từ kế toán và phân loại chứng từ kế toán các bạn có thể tìm đọc qua bài viết theo link dưới đây:

Nói tới phần mềm 1C:KẾ TOÁN 8 thì nguyên tắc trên được ứng dụng có thể nói là tuyệt vời, bởi vì toàn bộ nghiệp vụ phát sinh đều được lập từ chứng từ, sau đó là in ra, lưu trữ. số liệu sổ sách báo cáo lập ra thì khỏi phải nói.

Lấy ví dụ đơn giản: hoạt động nhập hàng từ nhà cung cấp thì gồm có việc nhập hàng và ghi nhận hóa đơn GTGT. Tuy nhiên, ngày trên hóa đơn GTGT có thể khác với ngày mà chúng ta nhập kho, rõ ràng là chúng ta phải có 02 chứng từ để ghi nhận nghiệp vụ này. Một chứng từ ghi nhận theo đúng nội dung hóa đơn GTGT mà nhà cung cấp viết cho chúng ta và một chứng từ ghi nhận số hàng về kho và thời điểm này có thể nói là hàng đã được nhập kho.

Trong 1C:KẾ TOÁN giải quyết rất đơn giản. tạo ra một chứng từ “Tiếp nhận hàng hóa và dịch vụ”, chứng từ này có thể đảm bảo việc hàng đã ghi tăng vào kho. Kế thừa từ thông này có thể ghi nhận hóa đơn GTGT mà nhà cung cấp viết cho chúng ta, không hề phải lập lại tên hàng, số lượng, đơn giá…Tất cả chỉ nhập liệu có 01 lần duy nhất. Tiếp theo đó, nếu cần thanh toán thì có thể lập ra Phiếu chi, Ủy nhiệm chi…Cuối cùng là in ra và lưu trữ. Số liệu trên sổ sách kế toán cũng đã được cập nhật.

Chúng ta cứ tưởng việc lập, in và lưu trữ, lên sổ sách báo cáo rất lâu và khó khăn tuy nhiên điều này hoàn toàn đơn giản và thuận tiện. 1C:KẾ TOÁN đã làm rất tốt nhiệm vụ này.

Còn một điều rất hay của hệ thống đó là khả năng truy ngược từ báo cáo ra chứng từ gốc, có nghĩa là khi xem sổ cái của tài khoản 156 có thể nhấp trực tiếp vào dữ liệu để truy suất ra chứng từ gốc đã lập. Đây là một trong những tính năng ưu Việt của chương trình.

(Chuyên gia tư vấn 1VS)



Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013

Tầm quan trọng của việc quản lý thông tin khách hàng trong việc đưa ra các chương trình marketing



Tại sao lại phải quản lý thông tin khách hàng? Và cần phải quản lý những thông tin gì? Mục đích quản lý thông tin khách hàng? Tất cả những câu hỏi đó luôn được đặt ra và trả lời cụ thể để làm sao lượng khách hàng trung thành tăng lên ngày càng nhiều. 

Quản lý những thông tin như số điện thoại, e-mail, địa chỉ bưu điện sẽ là địa chỉ sẽ giúp khách hàng biết được một cách nhanh, chính xác nhất về các chương trình khuyến mại, giảm giá, tặng quà. 
Các thông tin sở thích, độ tuổi của các thành viên, doanh số mua hàng sẽ giúp người quản lý xác định được nhu cầu mong muốn của khách hàng, từ đó thiết lập các chương trình khuyến mại, giảm giá, quà tặng để kích thích nhu cầu mua sắm của khách hàng. 

Ví dụ, một khách hàng gia đình có 2 trẻ em, cửa hàng đặt một chương trình marketing tặng 1 cặp phiếu đi Công viên nước khi khách hàng mua một thiết bị học tập cho học sinh cấp 1. 

Các thông tin khách hàng cần quản lý 

-     Tên khách hàng 
-     Số điện thoại 
-     E-mail 
-     Sở thích 
-     Địa chỉ bưu điện 
-     Địa chỉ thực tế 
-     Ngày sinh 
-     Giới tính 
-     Sở thích 
-     Doanh số mua hàng 

Cửa hàng phân hạng khách hàng dựa trên doanh số mua hàng hoặc mức trả trước bằng cách mua thẻ thanh toán để thực hiện tính chiết khấu, tặng quà cho khách hàng khi thực hiện mua sắm. 

Cửa hàng cũng có thể gửi tặng quà hoặc thực hiện chiết khấu cho khách hàng vào dịp sinh nhật của khách hàng. Đó cũng là một cách khuyến khích khách hàng mua hàng. Chương trình khuyến mại có thể được giảm rất nhiều khi ông chồng vào cửa hàng mùa quà sinh nhật về tặng vợ. 

Với việc quản lý thông tin khách hàng là cách chúng ta chăm sóc khách hàng, biến khách hàng thất thường thành khách hàng thường xuyên và đến mức trung thành. 

Lợi ích của việc ứng dụng quản lý thông tin khách hàng trong phần mềm 1C:BÁN LẺ 8 

-     Gửi e-mail , SMS về chương trình marketing, hàng mới về cho nhiều khách hàng cùng một lúc. 
-     Tặng quà sinh nhật cho khách hàng vào dịp sinh nhật mà không cần phải nhớ ngày sinh của khách hàng. 
-     Phân nhóm, phân hạng được khách hàng thân thiết. 
-     Thiết lập các chương trình chiết khấu, quà tặng theo sở thích của khách hàng. 
-     Thúc đẩy sự phát triển của sản phẩm hay quá trình tạo ra sản phẩm mới 
-     Tăng nhiều lợi ích cho khách hàng 
-     Chương trình có một chức năng  bổ sung để người quản lý có thể thêm bất kỳ thông tin gì về khách hàng nếu thấy cần thiết. 

Các chức năng chính sử dụng trong phần mềm 

-     Bảng ghi thông tin khách hàng, sử dụng các mục sẵn có và mục tin bổ sung 
-     Thăm dò ý kiến khách hàng 
-     Chương trình marketing 
-     Thẻ ưu đãi 

Hoàng Ánh

Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

Những yêu cầu đối với phần mềm quản lý nhà hàng

Phần mềm 1C:BÁN LẺ 8 hoàn toàn đáp ứng theo mô hình chuỗi cửa hàng. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tập trung toàn bộ vào các nghiệp vụ dành riêng cho nhà hàng. Ở nhà hàng cũng có nhiều cái đặc thù mà siêu thị không có, do vậy phần mềm cũng cần phải có các tính năng nổi bật tương ứng để phục vụ thêm cho những đặc thù này nữa.

Quản lý hàng hóa theo nhiều đơn vị tính

- Đơn vị tính của mặt hàng rất đa dạng theo chiếc, cái, con, … kg và đặc biệt cần tích hợp với cân điện tử.
- Các đơn vị cần có sự quy đổi đễ dễ dàng thiết lập giá bán hàng

Tích hợp với cân điện tử

- Tích hợp cân điện tử sẽ giúp cho nhà hàng có nhiều phương án hơn để khách hàng lựa chọn. Ví dụ như khách hàng mua 1 con rắn 3 cân và chỉ tính tiền con rắn 3 cân đó. Phần việc chế biến con rắn đó thành bao nhiêu món thì theo cách quảng cáo của nhà hàng.
- Tích hợp với cân điện tử là một tính năng không dễ và 1C:BÁNLẺ 8 đã làm được điều này.

Phân biệt được món mới hay món đã dùng

- Việc phân biệt được thực hiện ngay tại thời điểm khách hàng order. Đây cũng là một cách để người nấu biết khách hàng không thích gia vị gì, cho ít gia vị gì đi, nhiều gia vị nào đó hơn.

Đóng bộ ngay tại thời điểm bán hàng

- Ngoài việc đóng bộ sẵn có các món ăn được chế biến sẵn, phần mềm cần đáp ứng đóng bộ ngay tại thời điểm bán hàng. Công việc này chỉ cần đặt sẵn định mức, đơn giá cho món ăn và  khi bán hàng, nhân viên thu ngân chỉ cần chọn món ăn, chương trình tự động trừ kho, hiện ra bảng giá. Công việc còn lại của thu ngân là tính tiền.
- Phần định mức được thiết lập từ khi tạo danh mục món ăn.

Lập kế hoạch mua nguyên liệu

- Dựa trên kinh nghiệm bán hàng và phân tích trong phần mềm, chủ nhà hàng thường có kế hoạch ngày hôm nay sẽ phục vụ món gì với số lượng bao nhiêu. Như vậy, phần mềm cần tính toán để chủ nhà hàng biết rằng hôm nay cần mua gì? Số lượng bao nhiêu?

Phân biệt sản phẩm in xuống bếp hoặc in tại bar

- Đối với nhà hàng thường phát sinh 2 nghiệp vụ tại bếp và bar. Khi nhân viên bán hàng ghi nhận order của khách, để đảm bảo nhanh nhất cho nhân viên bán hàng thì chương trình sẽ được kết nối với 2 máy in, một máy tin bếp và một máy in bar. Nhân viên bán hàng nhấp vào nút In và chương trình phân biệt được món nào đưa xuống bếp và hàng hóa nào đưa lên bar.
- Khi thực hiện lệnh in, chương trình cần có một chế độ khoanh vùng kho, nhân viên bán hàng đó nhận món ăn và nhận hàng hóa từ bar sẽ có nút đã nhận và lập tức trừ tồn kho.

Nhiều hình thức thanh toán

- Khách hàng của nhà hàng thường rất đa dạng, từ những người nhỏ tuổi đến lớn tuổi, đàn ông, đàn bà, thanh niên nam nữ, … ở nhiều cấp độ trong xã hội nên sẽ rất dễ phát sinh các hình thức thanh toán khác nhau như tiền mặt VND, thẻ thanh toán, phiếu thanh toán (nếu có khuyến mại).
- Các hình thức thanh toán này cũng có thể kết hợp với nhau để tạo điều kiện cho khách hàng thanh toán nhanh nhất.

Quản lý khách hàng thân thiết

- Quản lý thông tin khách hàng, sở thích, lịch giao dịch thường xuyên của khách hàng.
- Quản lý các order trước theo lịch của khách hàng, khách hàng thường hay đặt trước đặt biệt vào các ngày lễ.
- Thiết lập các mức ưu đãi cho khách hàng như theo hạng, theo điểm, …

Lập được nhiều mức giá cho một món có nhiều mức độ về lượng

- Món ăn của nhà hàng thường được phân định mức độ về lượng theo người, kilogam, … từ đó thiết làm cơ sở đặt mức giá cho món ăn.
- Một món ăn được làm từ các loại nguyên liệu khác nhau cũng sẽ có mức giá khác nhau. Do vậy, để tránh phải thiết lập nhiều mã món ăn, phần mềm cần có một công cụ để quản lý công việc này. Đối với phần mềm 1C:BÁN LẺ 8, công cụ để quản lý vấn đề này là đặc tính.

Màn hình bán hàng gọn gàng, ít thao tác

- Màn hình bán hàng được thiết kế một cách gọn gàng, các thao tác cần thực hiện ít nhất và có phím tắt để lập nhanh một order của khách hàng từ lúc ban đầu cho đến khi kết thúc.
- Hiển thị món ăn theo nhóm, sao cho danh mục các món ăn đó khi lựa chọn không bị che lấp phần séc bán hàng, đảm bảo cho nhân viên thu ngân dễ kiểm soát số phát sinh trên sec.

Sử dụng được ngay trên thiết bị cảm ứng.

- Màn hình bán hàng cần được thiết lập để nhân viên bán hàng có thể lập order của khách trên thiết bị cảm ứng.

Quản lý được ngay các nghiệp vụ bàn ăn

Do đặc thù của nhà hàng nên nghiệp vụ tính tiền thường tính theo bàn ăn, không tính theo khách hàng nên công việc của nhân viên nhà hàng sẽ xoay quanh các bàn ăn.
- Nhận bàn: bàn nào khách hàng đã nhận rồi cần có một màu sắc khác với các bàn đang trống. Quy trình quản lý được ghi nhận từ khi khách vào cho tới khi khách rời khỏi bàn đó để đổi bàn, chuyển bàn hoặc thanh toán.
- Đổi bàn: đảm bảo nhân viên thu ngân có thể lựa chọn nhanh bàn đang còn trống mà khách hàng vừa đổi sang.
- Tách bàn: tách bàn hoặc cũng có thể hiểu là tách hóa đơn, nghiệp vụ này thường phát sinh phức tạp, việc tách theo món thì dễ nhưng có khi khách hàng cần tách hóa đơn (giá trị).
- Gộp bàn: gộp bàn hoặc cũng có thể hiểu là gộp hóa đơn, khi khách hàng ngồi với 1 dãy bàn dài hoặc nhiều bàn khác nhau thì việc gộp bàn thanh toán cần được đáp ứng ngay.

Nghiệp vụ bán hàng

- Bán hàng: nghiệp vụ bán hàng ở nhà hàng khác so với ở siêu thị, ở đây khách hàng tiêu dùng xong mới trả tiền. Việc bán hàng sẽ được ghi nhận xuất kho nhưng chưa được thanh toán luôn.
- Nhận hàng bán bị trả lại: hàng hóa còn dư thừa sau bữa ăn mà khách hàng đồng ý trả lại.
Nghiệp vụ bán hàng không tại bàn: nghiệp vụ này giống như một nghiệp vụ bán lẻ thông thường khác nhưng có thể giá sẽ được chia làm 2 phần là giá bán món ăn và chi phí vận chuyển.


Hoàng Ánh

Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

Phần mềm nào quản lý hóa đơn theo nhiều tình huống?

Hóa đơn GTGT là hóa đơn tài chính, một trong những chứng từ để ghi nhận việc chuyển giao hàng hóa, cung cấp dịch vụ từ đơn vị, tổ chức này cho đơn vị, tổ chức, cá nhân khác. Nhà nước có văn bản quy định rất rõ về hóa đơn tài chính này (các bạn có thể tham khảo luật thuế GTGT, thông tư 06 về thuế GTGT ban hành trong năm 2012).

Hóa đơn được sử dụng phổ biến trong một số trường hợp như sau:

-     -     Bán hàng hóa, dịch vụ có kèm theo xuất hóa đơn. Lúc này bên bán là đơn vị xuất hóa đơn và có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế GTGT, người mua thời điểm hiện tại nhận hóa đơn và là người nộp tiền tạm thời cho khoản thuế GTGT này. Dĩ nhiên người sử dụng cuối cùng mới là người nộp số thuế nhưng thời điểm hiện tại thì doanh nghiệp mua hàng là “tạm nộp thuế”.

-      -    Xuất hàng từ đơn vị tổng cho đơn vị thành viên: Ngoài việc sử dụng “Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ”, doanh nghiệp có thể xuất hóa đơn GTGT cho số hàng vận chuyển. Đây là căn cứ để chứng minh hàng hóa đi trên đường, là cơ sở để làm việc với quản lý thị trường.

-       -   Xuất hóa đơn cho hàng ký gửi: là việc mà đơn vị nhận ký gửi tạm thời xuất hóa đơn bán hàng cho khách, bởi vì ngay lúc này người đặt ký gửi không có ở đó, cuối tháng hoặc định kỳ căn cứ vào số hàng bán được thì người đặt ký gửi mới xuất hóa đơn cho số hàng đó.

-      -   Xuất hóa đơn cung cấp dịch vụ hoàn thành: như việc xuất hóa đơn về việc tư vấn, thiết kế, cung cấp dịch vụ…

-         -   Và nhiều trường hợp khác
-           
Như vậy, dù có xuất hóa đơn dưới hình thức nào đi chăng nữa thì chúng ta cũng sẽ có 2 đối tượng được đề cập. Một là người xuất hóa đơn. Hai là người nhận hóa đơn.

Đối với người nhận hóa đơn thì cần quản lý thông tin

Theo quy định hóa đơn được kê khai trong vòng 6 tháng, vậy thì tôi cần biết được hóa đơn mà đơn vị cung cấp cho tôi vào tháng nào? Tôi có thể kê khai hóa đơn đó vào tháng sau không?

Trong quá trình nhập liệu rất có thể tôi bỏ sót hóa đơn và chưa kê khai, do đó tôi cần quản lý hóa đơn nào đã lập? hóa đơn nào chưa lập?

Trong quá trình hoạt động, có thể tôi sẽ ứng tiền cho cá nhân để đi mua vật tư, vậy thì khi cá nhân đó về thanh toán. Song song với việc hoàn ứng tôi cũng phải ghi nhận và quản lý hóa đơn này? Tổng số thuế GTGT đầu vào trong kỳ (là khoảng thời gian) mà tôi xem báo cáo là bao nhiêu? 

Về mặt tồn kho và công nợ tôi có thể quản lý hàng hóa bằng tiêu chí theo hóa đơn, khi đó xem báo cáo công nợ với nhà cung cấp A tôi hoàn toàn có thể biết được công nợ này phát sinh từ những đơn hàng nào? Hóa đơn nào? Và chi tiết số tiền là bao nhiêu?. Việc thanh toán cũng theo đơn hàng nào? Hóa đơn nào? số tiền là bao nhiêu?

Nếu đơn vị có hoạt động chịu thuế và không chịu thuế thì phải tách biệt được hóa đơn nào dùng cho hoạt động chịu thuế, hóa đơn nào dùng cho hoạt động không chịu thuế và hóa đơn nào là dùng chung? Trong một số trường hợp muốn cập nhật và quản lý việc nhập giá mua có thuế hoặc giá chưa bao gồm thuế thì cũng phải quản lý được

Đối với người xuất hóa đơn (đơn vị bán hàng và cung cấp dịch vụ)

Quản lý được mẫu hóa đơn, ký hiệu hóa đơn và dải số hóa đơn mà đơn vị đang phát hành, có thể là tự in, đặt in hoặc dùng hóa đơn điện tử. Khi tôi thay đổi mẫu, ký hiệu hoặc thông tin trên hóa đơn thì tôi phải quản lý và biết được đã thay đổi những gì?

Dải số hóa đơn phải liên tục và thống nhất. Đặc biệt nếu đơn vị có nhiều địa điểm và phải phân chia dải số hóa đơn thì cũng phải quản lý được hóa đơn tại mỗi địa điểm sử dụng như thế nào?
Theo đúng pháp luật thì hóa đơn xuất trong tháng nào thì phải được kê khai trong tháng đó để không phát sinh tình trạng “quên, bỏ sót” việc khai và nộp thuế GTGT.

-          Theo dõi tổng số thuế GTGT đầu ra trong tháng, số còn phải nộp (nếu có)

Trong các yêu cầu bên trên tôi liệt kê ra thì toàn bộ đã được ứng dụng và giải quyết trên phần mềm 1C:KẾ TOÁN 8. Các đơn vị khi sử dụng giải pháp kế toán này đều đánh giá rất tốt, tốt không chỉ về phân hệ quản lý hóa đơn và thuế mà cả về các phân hệ khác. Một điểm đặc biệt cũng cần phải trình bày đó là chương trình có khả năng tích hợp với phần mềm HTKK của Tổng cục thuế, điều này giúp cho các đơn vị tiết kiệm thời gian và công sức khi chỉ cần khai báo chứng từ một lần duy nhất, chương trình sẽ tự động tích hợp với HTKK


 Ngô Tiến

Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

Kế toán sản xuất theo công trình, dự án

Việc tiến hàng kế toán sản xuất theo công trình dự án là một ngành đặc thù của kế toán sản xuất. Để hạch toán tính giá thành cho một công trình dự án hệ thống phần mềm kế toán cần đảm bảo được các yếu tổ sau:  

- Với đặc thù ngành xây dựng thực hiện qua nhiều năm tài chính (thời gian thi công cho 01 công trình dự án có thể kéo dài theo nhiều năm) do vậy hệ thống phần mềm phải cho phép tập hợp chi phí được từng năm hoặc nhiều năm  
- Cần có các tiêu thức phân bổ các chi phí sản xuất chung linh động  
- Cần có chức năng dự toán cho công trình  
- Với mỗi đội tổ sản xuất cần tập hợp và bóc tách được chi phí  
- Với đặc thù khi xây dựng xong, các đơn vị thi công cần có chính sách bảo hành bảo trì cho công trình do đó hệ thống phần mềm cần phải theo dõi được các khoản bào hành đối với công trình  
- Cần phải thực hiện hạch toán và theo dõi chi tiết từng hạng mục trong công trình,  
- Cho phép tập hợp nhiều dạng chi phí cho công trình: ví dụ chi phí thuê tài sản cố định, chi phí thuê thi công,...  

Với giải pháp phần mềm 1C:KẾ TOÁN 8 cho phép thực hiện các nghiệp vụ sau để tiến hành kế toán sản xuất công trình dự án:  

1. Cho phép thiết lập và theo dõi chi tiết từng hạng mục công trình dự án (như bạn nhâm nguyễn phương đã giới thiệu ở trên với chức năng thiết lập "nhóm sản phẩm" trong chương trình  
2. Cho phép tiến hành dự toán và so sánh dự toán với thực tế sản xuất đối với từng hạng mục và toàn bộ công trình  
3. Cho phép kết nhập từ excel các số liệu dự toán vào chương trình  
4. Cho phép tập hợp chi phí linh động và phù hợp với yêu cầu quản lý của từng công trình dự án, các chi phí hoàn toàn có thể theo dõi liên năm như: Chi phí vật tư, chi phí nhân công, chi phí thuê ngoài...  
5. Cho phép theo dõi chi tiết thông tin từng hợp đồng đối với từng công trình như: Thời hạn hoàn thành, số lần giải ngân, số tiền bảo hành cho công trình,...

Hồ Hòa

Thứ Năm, 22 tháng 8, 2013

MÔ TẢ KHÁI QUÁT KẾ TOÁN CÔNG NỢ TRONG PHẦN MỀM 1C:KẾ TOÁN 8

Công nợ luôn là vấn đề một phần hành có thể nói là "khó nhằn" với người làm kế toán, với những doanh nghiệp nhỏ, phát sinh hóa đơn chứng từ hạch toán không nhiều thì việc theo dõi công nợ có lẽ dễ dàng hơn. Nhưng với những doanh nghiệp phát sinh nhiều đơn hàng (bao gồm cả đơn đặt hàng để mua, đơn hàng  của khách để bán) thì quản lý công nợ có phần phức tạp hơn rất nhiều.
Mỗi công ty có cách tổ chức kế toán theo dõi công nợ khác nhau và công việc của một kế toán công nợ thường làm đó là :
-     Quản lý khoản ứng trước (ứng trước cho nhà cung cấp, khoản ứng trước từ khách hàng)
-     Quản lý công nợ phải trả nhà cung cấp, phải thu khách hàng
-     Quản lý công nợ theo đơn hàng và thời hạn thanh toán
-     Quản lý công nợ theo từng hóa đơn giao hàng của nhà cung cấp, hóa đơn bán ra của đơn vị
-     Đối trừ, bù trừ công nợ
-     Lập biên bản đối chiếu công nợ
-     Theo dõi nợ trong hạn, quá hạn, theo thời gian
-     …
Để thanh toán được một khoản tiền, kế toán cần kiểm tra và đối chiếu cùng lúc nhiều loại chứng từ với nhau, không đơn giản chỉ là chi tiền thanh toán là xong.
Ví dụ: để thanh toán một khoản tiền hàng cho nhà cung cấp A, kế toán căn cứ vào đơn hàng đã đặt, hóa đơn giao hàng (hoặc phiếu xuất kho) của nhà cung cấp, biên bản kiểm đếm hàng thực nhập, điều khoản thanh toán theo hợp đồng ký kết…Nếu thỏa mãn và hợp lý thì tiến hành thanh toán tiền hàng theo hợp đồng đã ký. 
CÔNG CỤ NÀO ĐỂ QUẢN LÝ CÔNG NỢ

Nhiều người thường dùng công cụ phổ biến là Excel, tuy nhiên bạn nên nhớ rằng trên thị trường hiện nay có rất nhiều phần mềm có thể mang lại hiệu quả hơn Excel, trong đó tôi đưa ra tính năng của phần mềm 1C:KẾ  TOÁN 8 mà tôi đang sử dụng. Trong bài viết này tôi giới thiệu tính năng rất hay của phần mềm đó là "tự động đối trừ các khoản ứng trước"

Phần mềm này có thiết lập hệ thống tài khoản theo cơ cấu: tài khoản công nợ và tài khoản ứng trước. Ví dụ, tài khoản 131– phải thu khách hàng được phân tách thành phải thu khách hàng và ứng trước từ khách hàng. Việc phân tách này giúp cho kế toán theo dõi chi tiết từng đối tượng phải thu và ứng trước riêng biệt.
Bên cạnh đó trong chương trình còn có khái niệm "Hợp đồng". do đó, khi phát sinh nghiệp vụ hạch toán với đối tác chương trình có chỉ ra hợp đồng để quản lý.

Ví dụ : Ngày 15/5/2013 có phát sinh ứng trước cho công ty A, theo hợp đồng số HD/01 một khoản tiền hàng là 10 triệu. Tuy nhiên, khi mua hàng DN lại ký với công ty A thêm hợp đồng số HD/02 để mua hàng mới, giá trị 15 triệu. Điều này giúp cho kế toán có thể theo dõi công nợ với công ty A như sau :
-     Khoản công nợ ứng trước : DN vẫn còn ứng trước cho công ty A : 10 triệu
-     Khoản phải trả công ty A (do mua hàng): 15 triệu

Nếu DN trả tiền hàng 15 triệu theo hợp đồng HD/02 thì khoản phải trả công ty A sẽ hết công nợ (bằng 0). Nhưng nếu doanh nghiệp khi mua hàng không ký thêm hợp đồng HD/02 mà dùng HD/01 để hạch toán thì chương trình 1C:KẾ TOÁN 8 sẽ tự động đối trừ khoản ứng trước với số tiền hàng ( đối trừ 10 triệu). Lúc này công nợ phải trả công ty A sẽ chỉ còn 5 triệu.

HÌNH THỨC ĐỐI TRỪ

Trong chương trình có 3 chế độ khi hạch toán với đối tác
o   Tự động đối trừ: chương trình sẽ tự động đối trừ khoản ứng trước với số tiền hàng trên cơ sở toàn bộ các chứng từ đã ứng trước (ứng trước bằng phiếu chi, bằng giấy báo nợ…)
o   Theo chứng từ: chương trình sẽ hỏi chứng từ cụ thể ứng trước là chứng từ gì? Lúc này bạn cần chỉ rõ chứng từ ứng trước
o   Không tính: Chương trình sẽ không tự động đối trừ khoản công nợ với ứng trước
Trong các chứng từ hạch toán với nhà cung cấp, với khách hàng chương trình đều chỉ ra các hình thức vậy.
Ngoài ra, để quản lý công nợ trong chương trình đưa ra nhiều chứng từ hạch toán khác:
o   Biên bản đối chiếu công nợ
o   Điều chỉnh công nợ: trong đó có ghi nhận và hạch toán “đối trừ”, “chuyển nợ” và “giảm nợ”
o   Các giao dịch thủ công để hạch toán công nợ

MỘT SỐ BÁO CÁO ĐỂ QUẢN LÝ CÔNG NỢ

o   Bàn làm việc theo dõi, thanh toán công nợ
o   Báo cáo tổng hợp công nợ
o   Báo cáo chi tiết không nợ
o   Phân tích tài khoản: phân tích tài khoản phải thu, phải trả
o   Báo cáo công nợ quá hạn
o   Thông báo nhắc nợ
o   Sổ chi tiết theo dõi công nợ phải thu, phải trả
o   Và nhiều báo cáo khác

Ngô Tiến


Thứ Tư, 21 tháng 8, 2013

Một chương trình maketing phức tạp được thiết lập thế nào trong chương trình 1C:BÁN LẺ 8?

Để thiết lập được các chương trình marketing trong phần mềm 1C:BÁN LẺ 8, người sử dụng cần thiết lập 3 bước, theo đó bước trước gần đó sẽ là điều kiện cần của bước tiếp sau nó. Do vậy, chương trình marketing chỉ xảy ra khi cả 3 bước đều thỏa mãn các điều kiện đặt ra. sau:

Bước 1: Thiết lập điều kiện cho phép chiết khấu
-     Ở bước này, người sử dụng thiết lập điều kiện tối thiểu hay điều kiện cần của bước 2 để khách hàng nhận được chiết khấu, quà tặng.
-     Điều kiện trong bước này thường liên quan tới số lượng, giá trị mặt hàng, khách hàng, nhóm mặt hàng, …
Bước 2: Thiết lập chiết khấu phụ thu
-     Mức chiết khấu phụ thu có thể là số tiền, phần trăm tính trên giá trị mặt hàng, giá trị đơn hàng,… hoặc quà tặng.
-     Mức chiết khấu cho khách hàng, dạng chiết khấu cho khách hàng được xác định ở bước này.

Bước 3: Thiết lập chương trình marketing
-     Tại đây, sẽ quy định về thời hạn của chương trình giảm giá, chiết khấu, quà tặng,… Một chương trình marketing có thể áp dụng nhiều mức chiết khấu, giảm giá, quà tặng cho khách hàng,… Tùy vào giao dịch đạt ở mức điều kiện nào thì sẽ tính mức giảm giá, quà tặng nằm trong khung điều kiện đó.
-     Ở bước này, chương trình cũng sẽ quy định đối tượng cửa hàng trong chuỗi áp dụng chương trình chiết khấu nào. Trong chuỗi không nhất thiết các chương trình chiết khấu cho các cửa hàng phải giống nhau.

Mô tả tính năng và các ví dụ khi thiết lập chương trình marketing 

Bước 1: Thiết lập điều kiện cho phép chiết khấu
Chiết khấu đơn lẻ - chiết khấu trên một chứng từ bán hàng.
-     Theo số lượng tối thiểu của toàn bộ hàng mua trên đơn hàng. 
Ví dụ: Khách hàng mua số lượng tối thiểu 50 chiếc trên đơn hàng sẽ được tính chiết khấu giảm 10%.
-     Theo giá trị tối thiểu của hàng mua trên đơn hàng. 
Ví dụ: Khách hàng mua với giá trị đơn hàng từ 1 triệu trở lên trên đơn hàng sẽ được tính chiết khấu giảm 10%.
-     Theo số lượng tối thiểu của một mặt hàng trên đơn hàng. 
Ví dụ: Khách hàng mua với giá trị đơn hàng từ 1 triệu trở lên trên đơn hàng sẽ được tính chiết khấu giảm 10%.
-     Theo giá trị tối thiểu của một mặt hàng trên đơn hàng. 
Ví dụ: Khách hàng mua một mặt hàng nào đó trong đơn hàng giá trị từ 1 triệu trở lên trên đơn hàng sẽ được tính chiết khấu giảm 10%.

Chiết khấu theo khối lượng bán hàng lũy kế - bán hàng trong một kỳ cụ thể.
-     Chiết khấu theo giá trị lũy kế mua hàng của khách hàng trong một kỳ. 
Ví dụ: Trong tháng 11/2012, khách hàng mua hàng nhiều lần trong tháng với giá trị lũy kế 100 triệu sẽ được giảm giá 10% cho đơn hàng tiếp theo.
-     Chiết khấu theo số lượng hàng mua lũy kế của khách hàng trong một kỳ. 
Ví dụ: Trong tháng 12/2012, khách hàng mua hàng nhiều lần trong tháng với số lượng lũy kế 100 chiếc sẽ được giảm giá 10% cho đơn hàng tiếp theo.

Chiết khấu theo thời gian bán hàng.
-     Chiết khấu tính theo một khoảng thời gian tính bằng giờ trong một ngày nào đó. 
Ví dụ: Khách hàng mua hàng từ 11h đến 12h trưa thứ 3, 5, 7, CN sẽ được giảm giá 10%.

Chiết khấu theo gói hàng 
·  Chiết khấu được tính cho một gói hàng nào đó được định nghĩa trước khi chiết khấu.
Ví dụ: Khách hàng mua một gói sản phẩm gồm 1 váy, 1 quần âu nam và 1 bộ đồ trẻ em 3 tuổi sẽ được hưởng chiết khấu 10%.

Chiết khấu vào ngày sinh nhật của khách hàng – áp dụng cho khách hàng thân thiết mua hàng vào dịp sinh nhật của khách hàng.
-     Chiết khấu được xác định vào một khoảng thời gian trước và sau ngày sinh của khách hàng. 
Ví dụ: Khách hàng thân thiết sinh ngày 12/12/2012 mua hàng trong khoảng thời gian từ ngày 01/12/2012 đến ngày 24/12/2012 sẽ được hưởng chiết khấu 10%.

Chiết khấu theo bội số của séc tính tiền – số của séc tính tiền (n) chia hết cho số (x) đã chỉ ra lúc ban đầu. 
Ví dụ: Số séc mua hàng của khách hàng là bội số của số 50 sẽ được hưởng chiết khấu 10%.

Theo kiểu người nhận – chiết khấu cho nhóm khách hàng nào đó. 
Ví dụ: Chiết khấu cho khách hàng theo các kiểu người nhận sau:
-     Khách hàng có thẻ hạng kim cương được chiết khấu 70%
-     Khách hàng có thẻ hạng vàng được chiết khấu 50%
-     Khách hàng có thẻ hạng bạc được chiếu khấu 15%
-     Khách hàng có thẻ hạng đồng được hưởng chiết khấu 10%
-     Khách hàng được cấp thẻ thông thường được hưởng chiết khấu 5% 
Hoặc
-     Khách hàng là cá nhân được hưởng mức chiết khấu 10%
-     Khách hàng là tổ chức được hưởng mức chiết khấu 15%
-     Khách hàng là đối tác kinh doanh được hưởng mức chiết khấu 20%.
-     Chiết khấu cho khách hàng thuộc nhóm A (nhóm A được thiết lập bất kỳ) mức chiết khấu 2%. 
Ghi chú:
-     Các ví dụ ở trên được tính chiết khấu theo dạng phần trăm trên đơn hàng. Ngoài ra còn có thể chiết khấu theo nhiều dạng cho phép chiết khấu khác nữa trong mục B.
-     Chiết khấu ở ví dụ trên là chiết khấu ở dạng đơn lẻ. Kế toán còn có thể thiết lập các chương trình chiết khấu kết hợp các chỉ tiêu, điều kiện lại với nhau. 

Bước 2: Thiết lập chiết khấu phụ thu
Chiết khấu theo số tiền trên giá trị đơn hàng (tại mục A) đã được chỉ ra. 
Ví dụ: Khách hàng mua với giá trị đơn hàng từ 1 triệu trở lên trên đơn hàng sẽ được tính chiết khấu giảm số tiền 100 nghìn.
Chiết khấu theo phần trăm trên giá trị đơn hàng – số tiền chiết khấu tính theo phần trăm trên giá trị đơn hàng. 
Ví dụ: Khách hàng mua với giá trị đơn hàng từ 1 triệu trở lên trên đơn hàng sẽ được tính chiết khấu giảm 10%.
Quà tặng – quà tặng có thể là một mặt hàng trong giỏ mua của khách hàng hoặc một mặt hàng bất kỳ nào đó được thiết lập sẵn. 
Ví dụ: Khách hàng mua 10 mặt hàng A được tặng thêm 01 măt hàng A hoặc khách hàng mua 10 mặt hàng A được tặng 01 mặt hàng B nào đó.

Bước 3: Thiết lập chương trình marketing
-     Thiết lập kỳ hiệu lực cho chương trình marketing 
Ví dụ: Hiệu lực từ ngày 12/05/2013 đến ngày 02/09/2013. Áp dụng mức chiết khấu 10% trên giá trị đơn hàng có mức tối thiểu là 10 triệu đồng.
-     Lựa chọn các cửa hàng áp dụng chương trình marketing. 

Cách tính chiết khấu, tặng quà 
Cách tính chiết khấu trong phần mềm có thể thực hiện:
-     Tính chiết khấu tự động theo các chương trình đã thiết lập
-     Tính chiết khấu thủ công đối với các chương trình phát sinh không theo cách xác định trước hoặc không theo logic làm việc nào.
-     Các chương trình chiết khấu có thể được thiết lập sẵn ở dạng danh sách và sau đó sẽ được lựa chọn tùy theo khách hàng. 
Ví dụ: Hai khách hàng cùng mua một đơn hàng với giá trị 1 triệu đồng, mặt hàng giống hệt nhau nhưng khách hàng A được chiết khấu mức chiết khấu theo 10%/giá trị đơn hàng, khách hàng B được hưởng mức chiết khấu 50 nghìn/đơn hàng.

Các thông tin chiết khấu khác
-     Giảm giá theo ngành hàng
-     Giảm giá theo số lượng mua hàng, giá trị đơn hàng
-     Giảm giá theo phần trăm
-     Giảm giá theo số tiền
-     Giảm giá theo ngày sinh của khách hàng, dịp lễ
-     Quản lý khách hàng thân thiết
-     Hạng thẻ của khách
-     Chiết khấu, giảm giá theo hạng thẻ
-     Quà tặng là mặt hàng kèm theo 

Lợi ích khi ứng dụng 
-     Trên đây là một số chương trình chiết khấu, giảm giá tiêu biểu. Dựa trên các chức năng được thiết kế sẵn, kế toán có thể lập ra hàng nghìn các chương trình chiết khấu giảm giá khác nhau. Các chương trình chiết khấu, giảm giá được xác định theo từng khoảng thời gian và có thể chạy độc lập hoặc kết hợp với nhiều chương trình chiết khấu khác dành cho nhiều đối tượng khách hàng khác nhau.
-     Phân tích được hiệu quả của từng chương trình marketing. 

Hoàng Ánh