Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

Hãng phần mềm 1C trao giải cho sinh viên chiến thắng Olympic quốc tế về lập trình - Báo Hà Nội mới

(HNMO) - Đầu tháng 7/2014 tại Trung tâm nghiên cứu, phát triển và đào tạo 1C đã diễn ra lễ trao giải cho người chiến thắng các cuộc thi 1C năm 2014. 

Sự kiện được tài trợ bởi một trong những trường đại học kinh tế hàng đầu - Trường đại học Tài chính trực thuộc chính phủ Liên bang Nga. Giám đốc hãng 1C, doanh nghiệp thuộc top 10 công ty trong lĩnh vực CNTT của Nga – ông Boris Nuraliev đã chúc mừng những người chiến thắng kỳ thi Olympic Quốc tế về lập trình lần thứ 26 và cuộc thi "1C:KẾ TOÁN 8" chuyên nghiệp toàn Nga lần thứ 8.


Không khí nghiêm túc tại vòng chung kết năm 2014

Các cuộc thi này được tổ chức hàng năm dành riêng cho sinh viên. Năm nay, kỳ thi bắt đầu tổ chức từ tháng 01 và thu hút 1839 thí sinh từ các trường đại học, cao đẳng, kỹ thuật của 156 thành phố ở Nga, Ukraine, Belarus, Kazakhstan và Azerbaijan tham dự. Trong đó, chỉ có 175 sinh viên lọt vào vòng chung kết diễn ra vào ngày 05 tháng 04 tại Matxcova. 

Vòng chung kết Olympic Quốc tế về lập trình các bài toán phân tích thống kê lần thứ 26 yêu cầu trong 05 giờ, bằng ngôn ngữ hệ thống của nền tảng công nghệ "1C:DOANH NGHIỆP 8", các thí sinh phải xây dựng một phần mềm để giải quyết bài toán phân tích khá phức tạp: Thiết kế cấu trúc phần mềm quản lý kinh tế cho 100 người theo các yêu cầu cho trước, với 20 phân hệ. Để chiến thắng, các sinh viên không chỉ cần tạo ra thuật toán mà còn phải lựa chọn cơ chế công nghệ 1C hiệu quả nhất để giải quyết bài toán. Do đó, kết quả không chỉ được đánh giá dựa trên tiêu chí về tính đầy đủ, không lỗi, chất lượng, mà còn đánh giá cả về hiệu quả khi thử nghiệm giải pháp của thí sinh khi chạy với khối lượng dữ liệu lớn.

Còn các thí sinh vòng chung kết cuộc thi chuyên nghiệp toàn Nga lần thứ 8 về "1C:KẾ TOÁN 8" lại phải giải quyết bài toán thực tế liên quan đến kế toán, hệ thống thuế và phản ánh vào báo cáo tài chính các giao dịch bán tài sản cố định. Thời lượng để đưa ra phương án giải quyết là giới hạn trong vòng 2,5 giờ. Bài thi không chỉ yêu cầu phản ánh được các giao dịch kinh tế, mà còn phải tạo ra kết quả tài chính trong ba kỳ báo cáo, cũng như lập ra báo cáo pháp quy. Theo ban giám khảo, kiến thức tốt về kế toán doanh nghiệp và hệ thống thuế cũng như sự am hiểu sâu về phần mềm kế toán 1C sẽ giúp các thí sinh giải quyết những bài toán phức tạp này. 


Các quán quân của 02 kỳ thi (2013 trên, 2014 dưới)

Phát biểu khi chúc mừng từng người chiến thắng, ông Boris Nuraliev - giám đốc Hãng 1C nhấn mạnh: "Lĩnh vực CNTT là ngành mãi mãi tươi trẻ, tràn đầy năng lượng và phát triển nhanh chóng. Trong đó rất khó tồn tại bằng những thành tựu cũ, mà phải không ngừng tạo dựng những điều mới và đầu óc luôn tư duy. Vì thế chúng tôi rất cần những người trẻ, họ có những ý tưởng mới, còn chúng tôi có thể truyền cho họ kinh nghiệm của mình. Môi trường 1C có rất nhiều vị trí dành cho những người trẻ tuổi. Công nghệ “1C:DOANH NGHIỆP” ngày nay được sử dụng để lập trình bởi 300 nghìn người, có khoảng vài triệu người tại Nga và các nước khác mỗi buổi sáng, mở máy tính lên và làm việc với các sản phẩm mà chúng ta đã tạo ra".

Tương tự mọi năm, quán quân của kỳ Olympic quốc tế năm nay là nam sinh Alexey Kibin đã giành được cúp vàng cùng giải thưởng là một chuyến du lịch Paris. Còn nữ sinh Olesa Nazarko, người chiến thắng cuộc thi toàn Nga về chuyên gia phần mềm kế toán 1C, được tặng một chuyến du lịch tới Ý. Ngoài ra, với mỗi cuộc thi, ban giám khảo còn chọn ra giải nhất, giải nhì, giải ba để trao tặng các giải thưởng có giá trị như máy tính xách tay, máy tính bảng, phần mềm 1C lớp ERP, cũng như các chứng nhận chuyên gia 1C với các cấp bậc khác nhau.

Theo dữ liệu nghiên cứu thị trường lao động trong lĩnh vực CNTT do cổng thông tin SuperJob thực hiện năm 2014: nhu cầu cao nhất trong lĩnh vực CNTT trong nhiều năm tại Nga là các lập trình viên "1C". Số lượng vị trí tuyển dụng các chuyên gia này chiếm 23,3% tổng số nhu cầu việc làm dành cho chuyên gia CNTT. Nhu cầu về chuyên gia tư vấn 1C, chuyên gia triển khai, phân tích nghiệp vụ cũng tăng cao.

Nguồn nhân lực chính cho ngành công nghiệp CNTT chính là hệ thống giáo dục. Để phát triển và hỗ trợ hợp tác với các trường đại học và trung cấp, hãng 1C cùng với các đối tác đã tổ chức một loạt các sự kiện thường niên dành cho sinh viên. Nổi bật trong số đó là kỳ thi Olympic quốc tế lập trình các bài toán phân tích thống kê và cuộc thi chuyên nghiệp toàn Nga về "1C:KẾ TOÁN 8". Cuộc thi được tài trợ bởi trường Đại học Tài chính thuộc Chính phủ Liên bang Nga, Chủ tịch hội đồng giám khảo là Tiến sĩ khoa học kinh tế - giáo sư Dmitry Vladimirovich Chistov. Cuộc thi thu hút sự quan tâm của giới trẻ về vấn đề phát triển nghề nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tìm ra những nhà lập trình tài năng và tạo điều kiện định hướng nghề nghiệp cho họ.

Theo báo Hà Nội mới

Thứ Hai, 28 tháng 7, 2014

MỘT SỐ KINH NGHIỆM LÀM KẾ TOÁN THUẾ

Ảnh minh họa

1. Khi mua hàng
- Không nhận hoá đơn tại nơi xuất hàng mà nhận hoá đơn do người bán đem đến (dễ bị nhận hoá đơn giả).
Khi xuất hàng :
- Không xuất hoá đơn GTGT đối với Hàng hóa Xuất khẩu ,
- Không xuất hoá đơn đối với doanh thu hàng uỷ thác xuất khẩu.
- Không lót giấy carbon giữa các liên.
- Thiếu chữ ký người mua trên hoá đơn.
- Không ghi thuế suất thuế GTGT . Báo cáo sử dụng hoá đơn : Không lập báo cáo sử dụng hoá đơn theo định kỳ.( Tháng , Quý , Năm ) Các bảng kê hoá đơn bán ra , mua vào:
- Ghi không đầy đủ cột mục theo qui định.
- Cột ngày chứng từ ghi không theo đúng định dạng 30/01/2002 (ghi sai là 01/30/2002 hoặc 30-Jan-02, 2002-01-30 v.v...)
- Trong bảng kê HHDV bán ra không ghi đúng thứ tự số hoá đơn đã sử dụng, không kê hoá đơn đã huỹ vào bảng kê, đồng thời cũng dễ bị kê khai trùng nhiều lần cho cùng một hoá đơn.
- Không lập bảng kê riêng đối với hàng hoá bán ra không chịu thuế GTGT (như hàng đại lý bán đúng giá)
- Trong bảng kê hoá đơn mua vào không lập bảng kê riêng đối với những hàng hoá dịch vụ phục vụ cho sản xuất, hàng không chịu thuế GTGT.

2. Đối với kê khai thuế
(*) Kê khai thuế GTGT hàng tháng
- Thiếu chỉ tiêu 5 (dòng thuế GTGT được khấu trừ)
- Nhầm lẫn giữa các dòng làm sai lệch nội dung của tờ khai.
- Nhân viên kế toán làm cho nhiều công ty khác nhau, khi lập tờ khai bằng máy tính quên thay đổi mã số thuế, tên công ty, địa chỉ .... của công ty.
- Gộp doanh thu và thuế đầu ra của nhiều thuế suất ghi chung vào một dòng
- Không tính gộp cả doanh thu của HHDV không chịu thuế GTGT vào chỉ tiêu 1.
- Cấn trừ số thuế phát sinh âm kỳ này với nợ thuế GTGT chưa nộp của kỳ trước.
- Tính vào số thuế GTGT đầu vào đối với hàng hoá nhập khẩu theo thông báo của Hải Quan, trong khi chưa nộp thuế GTGT hàng nhập khẩu đó.
- Kê khai khấu trừ 3% đối với hàng hoá không thuộc diện chịu thuế GTGT, hoặc hàng hoá thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB nhưng mua về không phải để bán ra.
- Không tách riêng bảng kê Hàng hóa DV mua vào có hóa đơn bán hàng được khấu trừ tỷ lệ 3% . Kê khai thuế thu nhập cá nhân hàng tháng đã chặn trừ tại nguồn :
- Hàng tháng đã chặn trừ thuế thu nhập của người lao động nhưng chiếm dụng không kê khai và nộp vào ngân sách kịp thời đúng theo qui định của pháp lệnh thuế thu nhập.
- Những đơn vị có nộp thuế TNCN của người nước ngoài, không lập riêng tờ khai hoặc đã kê khai lẫn lộn giữa người VN với người nước ngoài. Kê khai thuế Thu nhập doanh nghiệp hàng năm :
- Không chủ động kê khai đúng thời gian theo qui định của Luật thuế, bị cơ quan thuế nhắc nhở, xử phạt hành chánh.
- Đơn vị tính : Nội dung số liệu không tương ứng với đơn vị tính đã ghi bên trên biểu mẫu.
- Không ghi đầy đủ các khoản chi phí theo đúng mẫu qui định.

3. Đối với quyết toán thuế GTGT năm
- Dòng thuế phải nộp ghi tổng số thuế đầu ra, và dòng thuế đã nộp ghi tổng thuế GTGT đầu vào.
Dòng thuế đã nộp năm quyết toán : Ghi sai là số đã nộp cho năm báo cáo (bao gồm cả thuế đã nộp vào tháng 1 năm sau nộp cho tháng 12 năm trước). Đúng ra là số đã thực nộp trong năm báo cáo (bao gồm những chứng từ nộp từ ngày 1/1 đến 31/12 của năm báo cáo, không phân biệt nộp cho năm báo cáo hay truy nộp cho các năm trước).

4. Đối với nộp thuế
- Ghi nhầm tên người nộp là tên cá nhân đi nộp tiền (Phải ghi tên pháp nhân Doanh nghiệp ).
- Không nắm rõ các qui định về thời hạn nộp thuế của từng sắc thuế để chủ động nộp trước ngày hết hạn, bị cơ quan thuế nhắc nộp và bị phạt nộp chậm.
- Giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước : Không ghi rõ tài khoản của cơ quan thuế trên giấy nộp tiền, thiếu quan tâm ý nghĩa của những mã hiệu mục lục ngân sách nhà nước có liên quan (cấp, chương, loại, khoản, muc, tiểu mục) để ghi cho đúng.
- Khi phát sinh khoản phải nộp (không thuộc các loại thuế thông thường) đã không lập tờ khai nộp cho cơ quan thuế

5. Đối với hồ sơ báo cáo quyết toán thuế
- Không thiết lập đầy đủ hồ sơ về tài sản cố định, mua sắm TSCĐ không có hoá đơn hợp lệ. Thiếu bảng đăng ký tiền lương; hạch toán chi phí tiền lương nhưng thiếu hợp đồng lao động; bảng lương không có người ký nhận.
- Thiếu bảng kê hồ sơ quyết toán thuế (liệt kê danh sách hồ sơ đính kèm theo nhằm tránh thất lạc).
- Doanh nghiệp được thụ hưởng chế độ miễn giảm do ưu đãi đầu tư nhưng quên hoặc không biết cách hạch toán và báo cáo quyết toán với cơ quan thuế; hoặc chờ cơ quan thuế đến kiểm tra để xác định số thuế được miễn giảm.

6. Đối với hạch toán kế toán
- Ngay sau khi lập đề nghị hoàn thuế GTGT, doanh nghiệp đã không hạch toán làm giảm số dư nợ, không hạch toán đồng thời vào tài khoản phải thu phải trã, mà vẫn để số thuế nầy được tiếp tục khấu trừ cho kỳ sau.
- Ngay sau khi nhận được quyết định xử lý, xử phạt... của cơ quan thuế, doanh nghiệp không thực hiện hạch toán ngay vào sổ sách kế toán hiện hành, làm số dư các tài khoản thanh toán với ngân sách khác biệt với số liệu của cơ quan thuế.
- Sổ sách kế toán áp dụng máy vi tính : Định kỳ hàng tháng không in ra toàn bộ sổ sách phát sinh; sổ đã in ra không có số trang, không có giám đốc và kế toán trưởng ký; không tự đóng dấu giáp lai.

7. Đối với đăng ký thuế
- Thay đổi kế toán trưởng, địa chỉ kinh doanh , tài khoản và ngân hàng , điện thoại, fax, e-mail.... không đăng ký với cơ quan thuế.
Hoàn thuế GTGT
Hồ sơ chứng minh hàng xuất khẩu:
- Không thuyết minh sự sai biệt giữa hoá đơn và tờ khai Hải quan; giữa hoá đơn và chứng từ thanh toán.
- Thiếu chứng từ thanh toán hợp pháp đối với hàng xuất khẩu .
- Không có xác nhận của Hải quan tại ô 47 của tờ khai Hải quan .
- Văn thư đề nghị hoàn thuế (mẫu 10/GTGT) không xác định mình thuộc đối tượng cụ thể nào được hoàn thuế (xuất khẩu hay âm luỹ kế 3 tháng v.v...).
- Bảng kê khai tổng hợp số thuế phát sinh đề nghị hoàn không khớp với số thuế GTGT đã kê khai hàng tháng (phải điều chỉnh lại số liệu đã kê khai nhầm trước khi lập hồ sơ hoàn thuế).
- Phó giám đốc hoặc người được uỷ quyền ký tên vào văn thư đề nghị hoàn thuế GTGT không được xem là hợp lệ.
- Tài khoản đề nghị chuyển số tiền thuế GTGT được hoàn không đúng với số hiệu tài khoản và tên ngân hàng đã đăng ký thuế.



Thứ Ba, 22 tháng 7, 2014

Lưu giữ văn bản điện tử làm thế nào để bắt kịp công nghệ thông tin

Việc triển khai rộng khắp và tích cực sử dụng văn bản điện tử, nhất là khi các văn bản điện tử “có giá trị pháp lý” thì sẽ làm nảy sinh sự cần thiết về việc lưu giữ lâu dài. Để làm điều đó, các doanh nghiệp sử dụng lưu trữ điện tử. Làm thế nào để tổ chức kho chứa, cần đặt ra những yêu cầu nào đối với kho chứa và đối với văn bản, đồng thời, cần tính đến các yếu tố nào để sau này không bị rơi vào tình huống là không truy cập được thông tin?

Văn bản điện tử được sử dụng rộng rãi trong hoạt động kinh tế và cả trong phạm vi quản lý nhà nước. Dĩ nhiên, từ đó nảy sinh nhiệm vụ lưu giữ lâu dài và để sử dụng tiếp theo, nghĩa là phải xây dựng lưu trữ văn bản điện tử.

Thuật ngữ “lưu trữ văn bản điện tử” thể hiện chính xác bản chất nhiệm vụ hơn là thuật ngữ “lưu trữ điện tử”, do tập trung được sự chú ý đến các vấn đề đặc thù trong việc tổ chức lưu văn bản điện tử mà có giá trị như văn bản gốc. Tự thân “lưu trữ điện tử” là một khái niệm rộng, bao quát tất cả mọi nhiệm vụ tự động hóa việc tổ chức lưu trữ, trong đó bao gồm việc chuyển đổi văn bản giấy sang dạng điện tử. (Nhưng đồng thời, bản gốc vẫn tồn tại dưới dạng văn bản giấy. Trong trường hợp này, các yêu cầu đảm bảo tính đích thực thấp hơn so với nguyên bản ở dạng điện tử).

Trên thực tế, để tiện lợi hơn người ta thường sử dụng thuật ngữ “lưu trữ điện tử”, và chúng ta sẽ làm như vậy. Với thuật ngữ này, các giải pháp phần mềm tổng thể sẽ có rất nhiều các tính năng mà có giá trị lớn đối với doanh nghiệp.

Những nhiệm vụ của lưu trữ điện tử

Cũng như lưu trữ văn bản giấy, lưu trữ điện tử cần phải giải quyết nhiệm vụ lưu văn bản điện tử một cách lâu dài và có độ tin cậy cao, bảo đảm truy cập thông tin theo trình tự quy định, đảm bảo tính toàn vẹn và đích thực.


Không được quên về giá trị lịch sử văn hóa của lưu trữ, trong đó có cả lưu trữ điện tử 

Tất cả điều này cho phép đảm bảo giá trị pháp lý của văn bản lưu trữ dưới dạng điện tử. Phần lớn các yêu cầu (khiếu nại) của công dân và tổ chức đều liên quan đến các tình huống tranh cãi, và thông thường các quyết định được đưa ra đều trên cơ sở các bản chứng nhận được lưu trữ.

Không được phép lãng quên giá trị lịch sử văn hóa của lưu trữ, điều này hoàn toàn có liên quan tới văn bản điện tử. Các nhà phân tích thường nói nhiều về sự gia tăng vũ bão của nội dung số, và nhiều thứ trong các nội dung đó hoàn toàn xứng đáng được lưu giữ. Không thể hy vọng rằng, thông tin sẽ viễn viễn tồn tại trên trang Web nào đó. Tốt hơn hết là các văn bản và các ấn phẩm quan trọng sẽ được lưu giữ một cách tin cậy. Điều đó có liên quan đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội: sự kiện chính trị, nghiên cứu khoa học, văn hóa, môi trường xã hội. Trong lưu trữ văn bản giấy không chỉ bao gồm các mệnh lệnh, hướng dẫn, hóa đơn, hợp đồng, hồ sơ cá nhân, chứng từ, khiếu nại, quyết định, phán quyết tòa án và các văn bản chính thức khác. Trong đó còn có cả phông tư liệu cá nhân của các nhà hoạt động chính trị, nhà văn, nhạc sĩ, đạo diễn và những người nổi tiếng khác. 

Lưu trữ truyền thống

Nhu cầu lưu giữ dữ liệu lâu dài theo định dạng số đã xuất hiện đồng thời cùng với sự ra đời của những máy tính điện tử đầu tiên. Quả thật, sau khi cắt nguồn điện, toàn bộ nội dung trong bộ nhớ máy tính đều bị xóa bỏ. Có cảm tưởng rằng, trong mỗi nhà đều có thể tìm thấy một hộp có ghi dòng chữ “lưu trữ”, nhưng không thể đọc được.

Công nghệ lưu thông tin luôn phát triển, dữ liệu được tích lũy, và cũng bắt đầu xuất hiện những kho lưu trữ điện tử đầu tiên. Nguyên nhân chính là do các hạn chế kỹ thuật: các đĩa từ có giá trị đắt, dung lượng nhỏ. Cho nên cần phải chuyển các thông tin ít dùng sang các thiết phụ trợ ngoài để ghi dữ liệu như băng từ, đĩa CD/DVD...

Nhiệm vụ của công việc lưu trữ trong ngữ cảnh này (nghe có vẻ rất hợp lý) thường do bộ phận công nghệ thông tin (CNTT) đảm nhận, và họ thực hiện công việc của mình bằng thủ tục sao lưu dự phòng đơn giản, một công việc rất mang tính kỹ thuật. Đương nhiên, các quy tắc lưu trữ ở đây hoàn toàn không được áp dụng.

Tiếc rằng, phương pháp này vẫn còn đang chiếm vị thế độc tôn, và nhiều dữ liệu có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động của doanh nghiệp được “lưu trữ” bởi các chuyên gia CNTT, những người thường không hình dung hết các rủi ro về mặt pháp lý mà có liên quan đến các văn bản này. Ví dụ, trong phần lớn các “kho lưu trữ” như vậy người ta thiên về thu thập thông tin khi dung lượng thiết bị còn cho phép mà hoàn toàn không nghĩ đến việc phải hủy bỏ chúng khi cần thiết. Còn trong thế giới hiện đại thì văn bản không được hủy bỏ kịp thời có thể tạo ra thêm những vấn đề không đáng có. 

Cùng với việc xuất hiện máy quét, trong xã hội có thêm các ngành nghề khác như: số hóa văn bản giấy. Có thể thấy rõ các ưu việt: khuôn dạng điện tử không bị hao mòn, không thể gây hư hỏng hoặc bị loại bỏ khỏi lưu trữ, có thể được sử dụng chung bởi nhiều người. Ngày nay, nhiều phông lưu trữ trên thế giới đã được chuyển sang định dạng số, và công việc này vẫn đang được tích cực diễn ra. Đến lúc nào đó, tất cả các kho lưu trữ truyền thống sẽ được chuyển sang dạng điện tử, nhưng có điều chắc chắn, là không phải trong tương lai gần.   
                                                                        
Ở đây có một khía cạnh khác thú vị hơn. Những người đặt hàng các giải pháp số hóa thường là các bộ phận và cơ quan lưu trữ, cho nên các hệ thống thông tin này có nhiều điểm được coi là hệ thống lưu trữ điện tử nhiều hơn so với các giải pháp của bộ phận CNTT tự xây dựng. Nhưng mặt khác, hệ thống lưu trữ điện tử như vậy thường chỉ được hướng tới một nhiệm vụ, đó là quét ảnh và chuyển thành dạng số, và thường tồn tại tách biệt với các hệ thống thông tin khác trong doanh nghiệp, ví dụ như hệ thống quản lý văn bản điện tử

Lưu giữ lâu dài văn bản điện tử

Lưu giữ dưới định dạng số (Digital Preservation) là toàn bộ các biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo khả năng sắp đặt, trình bày, sử dụng và nhận biết các đối tượng số trong tương lai.

Có thể nói, đây là nhiệm vụ chính của lưu trữ điện tử: điều quan trọng ở đây không chỉ là việc lưu các văn bản điện tử hiện nay mà là xây dựng các điều kiện để có thể sử dụng các văn bản đó sau này mà vẫn bảo lưu tính đích thực và toàn vẹn. Chúng ta sẽ làm rõ hơn những vấn đề đặc thù nào cần giải quyết để đảm bảo lưu giữ lâu dài các văn bản điện tử.

Trong những thập niên gần đây, ngành CNTT phát triển rất nhanh, con người được sử dụng nhiều công nghệ mới, và ít ai nghĩ rằng, các dữ liệu số này cần được lưu giữ như các văn bản được cất giữ theo cách truyền thống. Cho dù đã có được một số kinh nghiệm tổ chức bảo quản phim ảnh và âm thanh, nhưng nói chung, các cơ quan lưu trữ quốc gia của nhiều nước trên thế giới vẫn còn chưa sẵn sàng để đến với thông tin số.

Không ngạc nhiên khi có nhiều các nghiên cứu và dự án quốc tế dành cho đề tài này. Lưu trữ điện tử khác với lưu trữ giấy, không thể xem đó là hệ thống tĩnh, chỉ cần một lần đưa một cái gì đó vào thì có thể yên tâm 100 năm sẽ vẫn tồn tại. Môi trường mà trong đó văn bản điện tử tồn tại cực kỳ khả biến và sinh động. Máy vi tính, phương tiện ghi thông tin, hệ điều hành, giải pháp ứng dụng, định dạng tệp có thể được thay đổi, còn các thuật toán phần mềm tính toán thì vẫn tồn tại mãi mãi.

Cho nên, ở đây điều quan trọng là cần phải đảm bảo tính bất biến của nội dung và các thuộc tính (metadata – siêu dữ liệu) của văn bản. Và cần phải chắc chắn rằng, nội dung không bị thay đổi. Chỉ khi đó, văn bản điện tử mới có thể được thừa nhận là đích thực. Nhiệm vụ đó không thể được giải quyết chỉ bằng các phương tiện kỹ thuật. Rõ ràng, cần phải xây dựng một loạt các tiêu chuẩn và thủ tục, đồng thời cần làm mọi cách để sao cho nó được xã hội thừa nhận. Chỉ trong trường hợp này mới có thể nói về việc ứng dụng văn bản điện tử một cách rộng khắp, khi mà tính chân thực của văn bản có thể được bảo đảm trong một thời gian dài. 

Lưu ý đặc biệt đối với định dạng tệp

Trong quá trình làm việc, mọi người thường không nghĩ đến định dạng mà văn bản được lưu giữ. Ví dụ, đối với các tài liệu công việc, thường sử dụng các định dạng của các ứng dụng văn phòng. Nhưng khi lập kế hoạch lưu trữ các văn bản trong thời hạn tối thiểu là 10 năm thì nhất thiết cần phải tính đến yếu tố này. Các định dạng này có được tiếp tục hỗ trợ hay không? Có còn tồn tại công ty mà nghĩ ra định dạng này hay không? Thậm chí nếu chúng ta lưu giữ các tệp này một cách cẩn thận thì làm thế nào để có thể đọc ra?

 

Trong quá trình làm việc, mọi người thường không nghĩ đến định dạng mà văn bản được lưu giữ

Đáng tiếc, các định dạng của các hãng phần mềm thường ở dạng đóng, và nếu một hãng quyết định ngừng hỗ trợ định dạng đó thì sau này chỉ có thể đọc các tệp này nhờ các phần mềm cũ, chỉ được khởi động chỉ trên hệ điều hành cũ, và chỉ làm việc trên các máy tính cũ. Làm thế nào để tìm được những thứ đó sau 20 năm nữa?

Giải pháp có thể là sử dụng các định dạng văn bản mở, như ODF, TIFF, PDF/A và các định dạng khác tùy thuộc vào dạng nội dung. Trong trường hợp này, thậm chí nếu hãng ngừng hỗ trợ phần mềm ứng dụng thì vẫn có thể viết ra một ứng dụng trên nền tảng mới để đọc các văn bản cũ.

Cần hiểu rằng, yêu cầu này không có nghĩa là phải chuyển tất cả người sử dụng sang làm việc với gói phần mềm văn phòng mới. Chỉ cần đảm bảo việc chuyển đổi tệp văn bản khi đưa chúng vào lưu trữ điện tử, đồng thời, gắn thêm công cụ phần mềm để xem văn bản theo định dạng mới.

Vẫn còn có một số rủi ro khác liên quan do không chú ý tới các định dạng tệp được dùng. Thứ nhất, đó là vấn đề về thông tin ẩn. Các văn bản văn phòng đều có chứa dữ liệu về những lần chỉnh sửa trước đó, các ghi chú, nội dung ẩn, thông tin về công ty và tác giả. Trong phiên bản cuối, tất cả đều là thừa và không cần đưa vào lưu trữ điện tử

Thứ hai, tác giả có thể sử dụng các trường ([Field]) trong văn bản mà giá trị trường đó có thể thay đổi, làm sai lệch nội dung văn bản. Một ví dụ đơn giản: trường với ngày hiện tại. Hãy thử hình dung: chúng ta in một bản sao từ bản lưu trữ, nhưng trên tiêu đề văn bản lại được đề ngày hiện tại…

Thứ ba, văn bản có thể chứa các đường dẫn (hyperlink) tới các trang Web hoặc các đối tượng có liên quan khác như (hình vẽ, sơ đồ và các văn bản khác). Đôi khi, việc này cần thiết để thuận tiện sử dụng và để hiểu văn bản đó. Nhưng khi đưa văn bản này vào lưu trữ thì cần phải làm gì đó, ví dụ, lưu giữ nội dung trang Web vào cùng văn bản.

Những yếu tố này cần được tính đến khi xây dựng quy tắc tiếp nhận văn bản vào lưu trữ điện tử. Nói bằng ngôn ngữ kỹ thuật, văn bản cần được chuyển đổi sang định dạng đã phê duyệt, ví dụ như định dạng ODF, để loại trừ các rủi ro nêu trên. 

Định chế lưu trữ điện tử

Như đã nói ở trên, không thể xây dựng hệ thống lưu trữ điện tử thành công chỉ bằng các biện pháp kỹ thuật. Cần phải xây dựng các định chế làm việc để tạo ra một môi trường tin cậy và tổ chức quy trình làm việc nhằm đảm bảo tính đích thực và toàn vẹn của văn bản điện tử trong lưu trữ.

Nếu văn bản được đưa vào hệ thống mà tuân thủ đầy đủ các thủ tục quy định, và trong quá trình lưu giữ, tất cả các hành động liên quan tới văn bản đều được kiểm soát nghiêm ngặt thì có thể mạnh dạn khẳng định, văn bản đó sẽ tồn tại bất biến và có giá trị pháp lý. Ở mức độ chính sách và thủ tục làm việc với văn bản (bao gồm văn bản điện tử và văn bản giấy), có thể sử dụng tiêu chuẩn ISO 15489 như là một tài liệu mang tính định hướng. 


Thứ Năm, 17 tháng 7, 2014

Hãng thời trang ViVa Fashion tiếp tục nghiệm thu phần mềm quản lý chuỗi bán lẻ 1C cho điểm bán hàng thứ 04

Tháng 05 vừa qua, phần mềm quản lý chuỗi thời trang 1C đã đồng hành cùng Viva Fashion khai trương cửa hàng thứ 04 tại tỉnh Hà Tĩnh. Và như vậy, tính đến hiện tại Viva đang quản lý công việc của mình với khoảng 30 máy sử dụng giải pháp phần mềm này.
Thương hiệu Viva Fashion thuộc sở hữu của tập đoàn tài chính APEC Group, ra mắt tại thị trường Việt Nam đầu năm 2013 và hiện đang có 04 cửa hàng tại Hà Nội, Huế, Thái Nguyên, Hà Tĩnh. Trong năm nay, ViVa Fashion sẽ tiếp tục khai trương thêm các cửa hàng tại Hà Nôi, Hải Phòng, Đà Nẵng. Theo dự kiến, thương hiệu này sẽ có 50 cửa hàng trong 03 năm tới trên cả nước và là nhãn hàng tiên phong cho dòng sản phẩm “work & play” nam và nữ với định vị trẻ trung, năng động và thanh lịch.
Đúng như phong cách trẻ trung, năng động của mình, Viva Fashion luôn nhạy bén lựa chọn cho mình những đại diện, những đối tác hiện đại như người mẫu Adrea, "Running man – Đoàn Xuân Tiến"… và giải pháp 1C. Đây là hệ thống phần mềm được chuyển giao công nghệ tiên tiến trên thế giới và là giải pháp đã được ứng dụng cho những chuỗi thời trang có hàng trăm điểm bán với hàng nghìn người sử dụng đồng thời.
Quy trình triển khai hệ thống phần mềm quản lý bán lẻ được tiến hành qua 05 bước, bao gồm: khảo sát nghiệp vụ thực tế của Viva; phân tích yêu cầu và thống nhất quy trình nghiệp vụ; tùy chỉnh; chạy thử nghiệm; ứng dụng và đào tạo thực tế. Trong đó tại bước chạy kiểm thử, đội dự án đã thiết lập phần mềm chạy đầy đủ cả ba khâu là bán buôn, bán lẻ, bán ký gửi.
Hệ thống có quy trình xuyên suốt kết nối giữa các bộ phân của chuỗi. Dữ liệu đầu vào được nhập một lần, và được tự động xoay chuyển giữa các phòng ban liên quan. Trong đó với phần mềm 1C, Viva Fashion đã giải quyết được 02 bài toán phức tạp đặc thù của chuỗi. Thứ nhất là bài toán về các chương trình Marketing, chăm sóc khách hàng như: thẻ tích điểm (thẻ vàng, bạc, kim cương); ưu đãi tháng sinh nhật; chương trình chiết khấu phức hợp theo từng mặt hàng, nhóm hàng, kết hợp với khuyến mãi trên từng hóa đơn; hoặc phức hợp ưu đãi giữa chính thẻ tích điểm và chương trình ưu đãi tháng sinh nhật…
Bài toán thứ hai là vấn đề quản lý hàng ký gửi, phần mềm không chỉ phải quản lý được doanh thu, tồn kho của hàng hóa tại điểm được ký gửi mà còn quản lý mô hình ký gửi với các đối tác là công ty thương mại điện tử như: nhóm mua, mua chung… Khi đó các đối tác này có thể bán hàng của Viva Fashion dưới dạng phân phối các thẻ chiết khấu, hoặc giao hàng trực tiếp, hoặc kết hợp cả hai.
Viva Fashion bắt đầu sử dụng phần mềm 1C vào đầu năm 2013 cùng với sự kiện khai trương cửa hàng đầu tiên của mình. Qua thời gian dài sử dụng thực tế, việc chuỗi bán lẻ tiếp tục đầu tư vào giải pháp này đã phần nào cho thấy hiệu quả ứng dụng của sản phẩm, cũng như chất lượng dịch vụ của nhà cung cấp. 
M.K

Xem nhật ký triển khai chi tiết phần mềm 1C cho Viva Fashion:
  • Tại đồng loạt 03 điểm bán đầu tiên >>>
  • Tại điểm bán hàng thứ 04 >>>

Thứ Ba, 15 tháng 7, 2014

Trường ĐH Công nghệ Thông tin và Truyền thông nhận chuyển giao phần mềm "1C:Quản lý văn bản (ECM)" phục vụ công tác giảng dạy

Trong khuôn khổ hoạt động hợp tác, hỗ trợ các cơ sở đào tạo, tháng 6 vừa qua, công ty 1VS tiếp tục tiến hành ký kết hợp đồng với trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông – Đại học Thái Nguyên nhằm đưa phần mềm "1C:ECM" phục vụ công tác giảng dạy của trường.


Tham dự buổi lễ ký kết, về phía trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông – Đại học Thái Nguyên có PGS.TS. Phạm Việt Bình – Hiệu trưởng, TS.Vũ Đức Thái – Phó hiệu trưởng, TS. Nguyễn Văn Huân – Trưởng khoa Hệ thống Thông tin kinh tế, cùng nhiều giảng viên trong trường. Về phía Công ty 1VS có TS. Trần Thắng – Giám đốc, anh Trần Văn Dũng – chuyên viên tư vấn giải pháp quản lý văn bản. 


PGS.TS. Phạm Việt Bình - Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu trong lễ ký kết

Phát biểu tại buổi lễ, Lãnh đạo trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông đã có ý kiến chỉ đạo về việc phối hợp giữa trường và Công ty 1VS thời gian tới về công tác chuyên môn (trao đổi, nghiên cứu, giảng dạy, đưa sinh viên tiếp cận với môi trường kinh doanh,...) nhằm nâng cao chất lượng sinh viên ra trường. Về phía Công ty 1VS, TS. Trần Thắng hoàn toàn nhất trí với những ý kiến hợp tác mà trường đưa ra, đồng thời Tiến sỹ cũng trao đổi thêm về việc hỗ trợ phía trường xây dựng các tài liệu để phục vụ cho công tác giảng dạy, tiếp nhận sinh viên vào thực tập, làm cộng tác viên tại công ty và các doanh nghiệp đối tác của 1VS. 

TS. Trần Thắng hướng dẫn các giảng viên khoa Hệ thống Thông tin kinh tế 
phần mềm “1C:Quản lý văn bản (ECM)
Sau buổi lễ, theo hợp đồng đã ký kết, Khoa Hệ thống thông tin kinh tế của trường đã đặt hàng Công ty 1VS tiến hành tập huấn sử dụng phần mềm quản lý văn bản 1C. Tham dự khóa học là các giảng viên và sinh viên của khoa. 
Buổi lễ ký kết đã kết thúc tốt đẹp, đặt nền tảng cho mối quan hệ hợp tác trên cơ sở hai bên cùng  có lợi giữa Trường và Công ty 1VS. Việc tham gia nâng cao chất lượng giảng dậy hay nói cách khác là hợp tác về khoa học lần này cũng chính là hướng phát triển ưu tiên của 1VS với các cơ sở đào tạo. 


TS. Nguyễn Văn Huân – Trưởng khoa Hệ thống Thông tin kinh tế 
đưa đoàn 1VS thăm quan trường
Tập thể GV Khoa HTTT KT chụp ảnh lưu niệm cùng đối tác

Miên Dương
Xem thêm tin về lễ ký kết tại website của trường: 
  • http://eis.ictu.edu.vn/index.php/tin-t%E1%BB%A9c-s%E1%BB%B1-ki%E1%BB%87n/413-le-ky-ket-hop-tac-voi-cong-ty-co-phan-he-thong-1-v.html
Xem thêm các tin liên quan: 
  • Giảng viên Trường ĐH KHXH&NV tập huấn sử dụng phần mềm 1C:ECM >>>
  • Trường ĐH KHXH&NV và Công ty 1VS ký kết hợp tác >>>

Chủ Nhật, 6 tháng 7, 2014

Những tiện ích của phần mềm 1C giúp giải quyết bài toán trong đơn vị sản xuất

Tìm kiến toàn văn khi nhập liệu chứng từ: khi kích hoạt chức năng thực hiện tìm kiếm toán văn, người lập chứng từ có thể thực hiện tìm kiếm theo ký tự bất kỳ khi thực hiện chọn đối tác (khách hàng hoặc nhà cung cấp,…) và hàng hóa. Tiện ích này hỗ trợ người dùng tìm khách hàng, nhà cung cấp, hàng hóa theo nhiều cách theo mã, theo tên, theo ký tự bất kỳ,…

- Tìm kiếm đối tác: Khi click vào ô mục đối tác, người sử dụng có thể thực hiện tìm kiếm theo mã khách hàng, theo tên hoặc theo ký tự bất kỳ. Ví dụ, khi thực hiện tìm kiếm theo chữ cái “e”, phần mềm sẽ tra lại kết quả toàn bộ đối tác mà trong tên gọi có chữ cái là “e”. Chương trình hỗ trợ tìm kiếm nâng cao theo danh sách ngắn vừa được lọc của lần tìm kiếm trước, cách tìm kiếm này tạo điều kiện thuận lợi để người nhập liệu tìm kiếm chính xác đối tác một cách nhanh nhất.


Hình 1: Tìm kiếm đối tác

- Tìm kiếm hàng hóa: khi click chuột vào ô mục mặt hàng, chương trình sẽ hỗ trợ tìm kiếm theo nhiều tiêu thức như mã hàng, tên hàng, ký tự bất kỳ trong tên hoặc mã hàng. Cách tìm kiếm này, sẽ giúp người lập chứng từ tìm kiếm nhanh chóng mặt hàng trong danh sách lên tới vài nghìn mặt hàng. Ví dụ, người sử dụng tìm kiếm mặt hàng có số “34” trong tên hàng và chương trình trả lại kết quả toàn bộ mặt hàng có số “34” như hình mô tả.


Hình 2: Tìm kiếm mặt hàng

Lập báo cáo nhanh ngay trên chứng từ: giao diện chứng từ không chỉ để sử dụng nhập liệu các nghiệp vụ phát sinh, ngoài ra trên chứng từ người nhập liệu có thể lập và xem nhanh các báo cáo liên quan mà không phải tắt chứng từ đi. Ví dụ, trong chứng từ đơn hàng của khách, người nhập liệu có thể xem được báo cáo công nợ, phân tích nhu cầu về hàng hóa, phân tính thành toán theo đơn hàng, phân tích tình hình thực hiện đơn hàng.


Hình 3: Lập báo cáo nhanh

Theo dõi lịch sử thay đổi thông tin trên chứng từ: ngoài khả năng phân quyền nhập liệu trên các chứng từ, theo dõi nhật ký người sử dụng, người quản trị còn có khả năng theo dõi cụ thể theo từng bảng ghi chứng từ theo từng trường hợp chỉnh sửa và có khả năng khôi phục lại chứng từ cũ đã được chỉnh sửa. Mỗi lần chỉnh sửa được ghi nhận lại cụ thể theo từng người, từng giờ chỉnh sửa. Sẵn sàng báo cáo theo dõi chi tiết từng theo tác chỉnh sửa và có thể khôi phục lại ngay nếu cần thiết.


Hình 4: Theo dõi lịch sử thay đổi thông tin

Khả năng tùy chỉnh, ẩn hiện thông tin trên chứng từ: các thông tin trên chứng từ có thể sửa theo ngôn ngữ thông thường của người sử dụng ví vụ phiếu thu có thể sử thành thu tiền mặt. Hoặc các thông tin khác, có thể ẩn bớt đi nếu chưa dùng tới. Đó là thuận lợi của chương trình, giúp người dùng dễ dàng tạo giao diện theo ngôn ngữ của mình. Toàn bộ thao tác được thực hiện trong chức năng theo đường dẫn Toàn bộ thao tác/thay đổi biểu mẫu.


Hình 5: Tùy chỉnh, ẩn hiện thông tin trên chứng từ

Kiểm soát tình trạng thanh toán, giao hàng ngay trên danh mục chứng từ: chỉ cần mở danh mục chứng từ, người sử dụng có thể thấy được tình trạng thanh toán, tình trạng giao hàng của từng chứng từ.


Hình 6: kiểm soát tình trạng thanh toán, giao hàng ngay trên danh mục chứng từ

Lọc kỳ cho danh mục chứng từ: danh mục chứng từ có thể được hiển thị theo thời gian bất kỳ mà người quản trị có thể lọc, kỳ này có thể lưu để có thể mở ra trong lần tiếp theo.


Hình 7: Lọc kỳ danh mục chứng từ

Thêm thông tin bổ sung cho chứng từ: ngoài khả năng ẩn/hiện, chỉnh sửa thông tin trên chứng từ, người sử dụng còn có thể thêm các trường thông tin bổ sung khác cho chứng từ để phục vụ cho công tác quản lý chứng từ được chặt chẽ hơn.


Hình 8: Thêm thông tin bổ sung cho chứng từ

Ngoài ra, chương trình còn có các tiện ích khác, rất hữu ích cho người sử dụng:

- Tiện ích truy vấn ngược: khả năng truy vấn ngược được thực hiện truy vấn từ báo cáo về danh mục chứng từ và các thành phần hình thành lên chứng từ;
- Khả năng trích xuất báo cáo sang nhiều dạng file khác nhau như excel, pdf, word,… giúp người dùng có thể gửi báo cáo cho đối tác, lãnh đạo khi không sử dụng chương trình;
- Chức năng tự lập báo cáo giúp người sử dụng có thể lập báo cáo theo cách riêng, phục vụ cho cách quản trị đặc thù của doanh nghiệp;
- Báo cáo có thể lập ở nhiều dạng như dạng bảng, dạng phân tích, dạng biểu đồ,…

Tham khảo thêm tại: http://www.1vs.vn/SanPham/1c-arm/



Hoàng Ánh

Thứ Tư, 2 tháng 7, 2014

Bạn có biết lợi thế của phần mềm bán hàng chạy theo mô hình dịch vụ đám mây?

Đối với các doanh nghiệp thuộc mọi loại hình và quy mô, việc hoạt động và chạy các ứng dụng dựa trên nền điện toán đám mây đang trở nên phổ biến bởi nhiều lý do, đặc biệt bởi vì nó tiết kiệm chi phí, vận hành nhanh chóng và dễ dàng, sẵn sàng mọi lúc mọi nơi và chỉ cần có kết nối internet - Điều này khá phù hợp cho hệ thống các chuỗi cửa hàng. Vì thế áp dụng điện toán đám máy trong việc quản lý bán hàng đem lại nhiều lợi ích cho nhà quản lý. Dưới đây là 6 lý do hàng đầu để bạn xem xét việc sử dụng phần mềm bán hàng chạy theo mô hình dịch vụ đám mây. 


1. Điện toán đám mây thật đơn giản 

Một trong những rào cản lớn về CNTT mà bạn phải đối mặt trong doanh nghiệp của bạn đó là việc tập trung hoặc nâng cấp công nghệ trong khi hoạt động. Điều này thường dẫn đến việc phải đặt mua và cài đặt phần cứng, phần mềm để mọi máy tính trong công ty của bạn có thể tương thích với nhau. Tùy thuộc vào quy mô của doanh nghiệp, điều này là khoản đầu tư lớn và thường khá tốn kém. 

  
Tuy nhiên, khi bạn sử dụng công nghệ điện toán đám mây, tất cả các ứng dụng, tất cả các dữ liệu sẵn sàng cho các nhân viên dùng đều lưu trữ trên đám mây. Điều này có nghĩa là đội ngũ IT không cần phải mất nhiều thời gian nâng cấp phần cứng, cài đặt các phần mềm mới và cấu hình lại các thiết bị. Không ai phải mất thời gian để tìm kiếm dữ liệu bị mất hoặc chuyển nó cho người khác trong cùng bộ phận. Điện toán đám mây cung cấp cho mọi người một nền tảng công nghệ như nhau. Nó còn cho phép bạn đồng thời nâng cấp các ứng dụng và chương trình, giúp mọi người trong công ty luôn hoạt động cùng trên một nền tảng đồng nhất. 
  
2. Điện toán nền tảng internet dễ dàng tiếp cận 
  
Một khi bạn đưa công nghệ điện toán đám mây vào doanh nghiệp của bạn, mọi nhân viên sẽ được tiếp cận với các thông tin họ cần để phục vụ cho công việc của họ. Và họ có thể làm việc hầu như tại mọi nơi, chỉ cần có mạng internet. Điều đó có nghĩa là bạn sẽ không phải ngồi lỳ một chỗ với các máy tính để bàn. Bạn có thể truy cập dữ liệu và ứng dụng ở bất kỳ đâu, cho dù đó là trong văn phòng của bạn, tại một nhà hàng sang trọng, trong khách sạn hoặc tại sân bay. Bạn có thể sử dụng máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh để làm việc. Có thể tiếp cận từ xa thông qua internet là một trong những lý do hàng đầu khiến nhiều doanh nghiệp chuyển sang điện toán đám mây. 
  
3. Điện toán đám mây cung cấp sự bảo mật tuyệt vời cho các tập tin quan trọng 
  
Trước kia, bạn có thể lưu trữ các tập tin quan trọng trên máy tính xách tay. Vậy điều gì sẽ xảy ra khi bạn bị mất máy tính? Các tập tin sẽ bị mất và chúng sẽ rơi vào tay người khác. Với điện toán đám mây, tất cả các tập tin của bạn được lưu trữ bằng kỹ thuật số trong hạ tầng điện toán đám mây, vì thế sẽ không còn chuyện dữ liệu bị mất hoặc phần cứng bị lỗi nữa. Khi sử dụng điện toán đám mây bạn cũng sẽ có quyền truy cập để phục hồi dữ liệu và sao lưu chúng để tránh cho bạn khỏi bị mất thông tin quan trọng. Thêm vào đó, có rất nhiều nhà cung cấp thứ ba cung cấp các dịch vụ lưu trữ đám mây với cơ chế mã hóa để bao vệ quyền riêng tư cho các dữ liệu của bạn. 
  
4. Sử dụng điện toán đám mây là sử dụng chi phí một cách hiệu quả 
  
Bảo dưỡng và nâng cấp máy tính để bàn, máy tính xách tay cũng như các phần mềm liên quan cho toàn bộ công ty là một chi phí rất khó duyệt chi, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ hoặc mới thành lập. Bạn sẽ thấy mình phải chi trả cho các chi phí bản quyền phần mềm, rồi lại tiếp tục trả tiền cho việc mua mới, nâng cấp phần cứng và cả chi phí nhân công hỗ trợ để giúp cho mọi thứ vận hành. Với mô hình tương tự khi sử dụng điện toán đám mây sẽ có chi phí rất thấp, với một vài nghiên cứu mới đây cho thấy bạn có thể tiết kiệm được 30% hoặc nhiều hơn. Sự lựa chọn để chuyển sang điện toán đám mây sẽ giúp tiết kiệm được cho doanh nghiệp của bạn một số tiền đáng kể. 
  
5. Điện toán đám mây mang đến sự gia tăng tính linh hoạt cho các doanh nghiệp 
  
Bằng cách sử dụng điện toán đám mây có thể giúp doanh nghiệp của bạn mở rộng quy mô. Thử nghĩ rằng đột nhiên bạn có một khách hàng mới đòi hỏi bạn phải có thêm nhiều nhân lực hơn mới đáp ứng nổi. Bạn có thể sẽ cần một số thiết bị mới hoặc nâng cấp thiết bị hiện có để hỗ trợ việc kinh doanh. Điện toán đám mây sẽ cho phép bạn nhanh chóng có tăng cấu hình, tăng dung lượng lưu trữ cũng như có thêm sự hỗ trợ từ các nhân viên IT mà không cần quan tâm đến việc họ đang ở đâu. Trong một thế giới kinh doanh đầy cạnh tranh, việc không có khả năng đáp ứng được nhu cầu và mong đợi của khách hàng có thể đưa bạn đến thất bại. Đây là một lợi thế rất lớn cho doanh nghiệp của bạn. 
  
6. Điện toán đám mây cho phép gia tăng sự hợp tác và sát nhập kinh doanh 
  
Khi bạn tiếp tục mở rộng quy mô doanh nghiệp, bạn có thể thấy mình cần phải cộng tác nhiều hơn với những người làm việc tự do. Công cụ điện toán đám mây giúp việc chia sẻ dữ liệu và ứng dụng cho những người làm việc tự do hoặc các đồng nghiệp hết sức dễ dàng. Tương tự, bạn có thể thấy công ty của mình có thể liên quan tới việc sát nhập hoặc mua lại. Việc sử dụng điện toán đám mây giúp cho hệ thống và nhân viên sát nhập hoạt động một cách liền mạch với chi phí thấp hơn. 
  
Những sự thay đổi với tốc độ chóng mặt trong công nghệ hiện nay khiến bạn phải đánh giá lại tất những lợi ích mà điện toán đám mây mang lại cho bạn và doanh nghiệp của bạn. Một cách đơn giản, điện toán đám mây cung cấp một giải pháp tiết kiệm chi phí và thời gian, tăng khả năng tiếp cận đủ để bạn nghiêm túc xem xét công nghệ mới này để hỗ trợ cho những nhu cầu CNTT của mình. Cho dù doanh nghiệp của bạn lớn hay nhỏ, bạn đều sẽ gặt hái được thành quả của hiện tượng điện toán đám mây.